Ở làng tôi, đền chùa miếu mạo, nhà thờ họ, mộ cổ, rừng cổ, cây cổ thụ đạ bị phá trụi, không còn gì để phục hồi nữa.
Võ Văn Trực
May mà Bắc Ninh, Phú Thọ … thuộc vùng Pháp chiếm đóng nên Chùa Dâu, Ðền Hùng … mới còn tồn tại.
Nguyễn Thanh Giang
——————————————–
Trước hết, xin nghe qua về những chuyện ở Đền Hùng hôm nay – theo như tường thuật của phóng viên Tiền Phong Online, vào hôm 13 tháng 4 năm 2013:
Những ngày này, cư dân mạng xôn xao về một “hòn đá lạ” đặt tại Đền Thượng, Đền Hùng, Phú Thọ. “Hòn đá lạ” có kích thước cao khoảng 50cm, bề rộng nhất khoảng 35cm, hình cánh buồm, ngụ trên bệ được gia cố khá đẹp, đặt trong Đền Thượng phía bên cánh trái theo lối đi vào Đền.Hội Đồng Khoa Học chưa lập, nghĩa là “hòn đá lạ” chưa được nghiên cứu gì ráo trọi thì vô số những blogger đã nhào vào bàn loạn cào cào. Mà toàn là bàn (ra) không hà. Lão Phạm là một trong những người như thế:
Mặt trước và sau của hòn đá có ký tự cổ, dấu ấn vuông, họa tiết phức tạp khó hiểu. Nhiều người đồn thổi rằng, “hòn đá lạ” này là một dạng bùa yểm không tốt.
Có mặt tại Đền Thượng sáng 10/4 (tức 1/3 âm lịch) để tìm hiểu rõ thực hư, phóng viên Tiền Phong thấy khá nhiều người đi
lễ Đền đầu tháng đang vây quanh “hòn đá lạ”. Có người xì xào bàn tán, có người chụp ảnh, chạm sờ, có người lại thận trọng đứng từ khoảng cách vài mét nhưng đứng quan sát hòn đá khá lâu.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Các, Giám đốc Ban quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng nói, hòn đá này, do một người tên Khảm ở Hà Nội cung tiến lên Đền Hùng năm 2009, khi đó là thời kỳ tôn tạo, tu sửa Khu di tích.
Một ông tên Nguyễn Minh Thông (là một đại tá quân đội, kiêm cán bộ của một đơn vị thuộc UNESCO Việt Nam) đã lên đây làm lễ. Hòn đá có ý “là để trấn giữ quốc gia”.
Ông Các báo cáo lên lãnh đạo chuyện dư luận trên mạng interrnet về “hòn đá lạ”, lãnh đạo tỉnh cũng đã biết chuyện cư dân mạng xôn xao nên đã chỉ đạo ông Các xem xét, cho hướng đề xuất xử lý sau Lễ hội này.Thời kỳ ông Nguyễn Văn Khôi là Giám đốc Ban quan lý Khu di tích (nay về hưu) đã đồng ý cho người cung tiến đặt hòn đá ở đây. Và chính ông Khôi đã phải làm giải trình lên UBND tỉnh Phú Thọ về “hòn đá lạ”.
Nhưng viên đá này tốt, hay xấu, hiện ông Các chưa thể đưa ra nhận định gì. Ông Các cho biết, có lãnh đạo tỉnh đã đồng ý sẽ lập hội đồng khoa học để “nghiên cứu” và đưa ra kết luận khoa học.
Dư âm sự kiện tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng nhận sắc phong từ những ông Tây chẳng biết Vua Hùng là ai còn chưa kịp lắng xuống thì các chức sắc văn hóa tỉnh Phú Thọ lại phải đau đầu bởi một hòn đá. Hòn đá chỉ là một hòn đá với dăm ba dòng chữ loằng ngoằng nhưng dọa được khối người.Càng không thể hiểu được việc thờ cúng hòn đá vô tri đó đã được kéo dài suốt ba năm ở di tích cấp Quốc gia, và những chức sắc ở di tích này hầu như đều đã tốt nghiệp đại học, tức đã học thuộc lòng chủ nghĩa duy vật biện chứng.
Đem một hòn đá lên bàn thờ tổ tiên để ngày đêm khấn vái mà không hề biết gì về nó là một việc có lẽ chỉ nên xảy ra vào thời… các vua Hùng.
Khi đó, người Việt còn xăm mình vì tưởng có thể dọa dẫm cá sấu với thuồng luồng.
Khi đó hòn đá mà người ta vô tình vấp chân hai lần trong một ngày sẽ trở thành totem.
Khi mà mọi sự bất thường trong thiên nhiên đều khiến người ta sợ hãi bởi sự vô minh thì việc mang hòn đá vô tri lên bàn thờ là điều dễ hiểu.
Nhưng không thể hiểu được sự vô minh đó có thể kéo dài mãi đến 4000 năm.
Bọ Lập thì chê ỏng chê eo là thông tin về “hòn đá lạ” này … rất tù mù:
Hòn đá này là đá trấn yểm hay hòn đá mê tín dị đoan? Phải gọi cho đúng tên chứ không thể gọi là hòn đá lạ được. Cũng như năm 2010, người ta tổ chức nghi lễ đúc tim tượng cho tượng đài Thánh Gióng, có người nói tim đó là tim lạ. Người khác cãi, nói tim do người cộng sản tạo ra thì gọi đó là tim cộng sản. Chỉ có người cộng sản mới nghĩ ra chiêu độc đúc tim cho tượng, ngoài ra không có ai nghĩ ra được cái chiêu đó.Bác Đào Tuấn, xem ra, cũng chả bàn (vô) một lời nào nghe cho … tử tế:
A, phải rồi. Sự tích hòn đá bắt đầu từ chủ trương của “lãnh đạo Phú Thọ” cụ thể là ông Nguyễn Hữu Điền (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ) chắc chắn là một người cộng sản, đến ông thấy bùa yểm là đại tá quân đội Nguyễn Minh Thông, ông này không đảng viên sẽ không có quân hàm đại tá, tóm lại thầy phá thế yểm Nguyễn Minh Thông đích thị là một người cộng sản. Hòn đá sinh ra trong thời cộng sản được chế tạo bởi những người cộng sản. Thế thì hòn đá này cũng được gọi là hòn đá cộng sản chứ còn gì nữa.
Ai dám bảo cộng sản vô thần nào? Bịp bợm!
Đến hôm qua, khi người đặt đá, một cựu quan chức của ngành văn hóa Phú Thọ lên tiếng, người ta mới biết chuyện hòn đá bắt đầu từ chuyện… viên gạch. Cụ thể: năm 2009, người ta phát hiện một viên gạch lạ có in chữ Hán. Nhiều nhà văn hóa cho rằng có thể là bùa yểm trong đó. Để phá thế yểm, Ban quản lý đã phải mời các pháp sư, nhà khoa học, chuyên gia ngoại cảm “vào cuộc”. Có hẳn “hội thảo nhiều lần” được tổ chức, khẳng định viên gạch trên ghi “Đánh đổ đức sáng Vua Hùng” này có từ cuối thời Trần, do đạo sỹ của quân Nguyên Mông mang đến đặt. Và để phá thế yểm của các đạo sĩ “lạ”, pháp sư Việt Nam đã đặt hòn đá như một đạo bùa lành.Chuyện “Cao Biền” ra sao, nói thiệt, tui hơi bị dốt nên không biết rõ gì cho lắm nhưng Chuyện Làng Ngày Ấy (*) thì tôi có được xem qua. Xin ghi lại một vài đoạn ngắn để rộng đường dư luận:
Nghe chuyện, cứ ngỡ như nghe chuyện Cao Biền.
Hôm nay cả làng nghỉ lao động để làm một trong những việc trọng đại nhất trong lịch sử làng: tập trung tổ tiên… Phong tục hình thành bền vững hàng ngàn năm, nhưng “cách mạng” cái phong tục này lại quá đơn giản, tập trung bà con để giải thích ý nghĩa của công việc. Sáng hôm sau, từng gia đình đã phải rước tổ tiên đến nhà thờ họ. Rồi từ nhà thờ họ, tổ tiên lại được rước đến nhà thờ đại tôn. Như vậy là cả làng chỉ có một nơi thờ tự, tất cả mọi bàn thờ cá thể bị phế bỏ…”
Riêng nhà tôi, cha đã sửa soạn từ chiều hôm trước. Để bà con láng giềng không biết, mãi đến tối mịt cha mới đem trưng ra tất cả những đồ tế khí vốn chỉ dùng trong ngày tết như đũa sơn, bát trái hồng, đĩa cây trúc, đĩa con phượng, đôi hạc đồng ngậm hoa sen, mâm đồng… Tôi xúng xắng bên cạnh cha, cũng soạn cái này sửa cái kia để làm vừa lòng cha. Tẩn mẩn tôi hỏi: “Đến mai là tết à cha?” Cha lặng lẽ trả lời:“Ông bà tổ tiên chỉ được hưởng những thứ này lần cuối cùng thôi. Sáng mai ông bà đi tập trung rồi, có về nhà mình nữa đâu…”
Sau cuộc rước tổ tiên tập trung về một nơi, tất cả các nhà thờ họ trong làng đều bị phá. Có nhà thờ biến thành địa điểm hội họp. Có nhà thờ biến thành kho phân. Hầu hết các nhà thờ đều dỡ ra, cùng với những đồ tế tự, đem chia đều cho mọi người: người được gạch, người được cái cột gỗ, người được cái xà ngang, người được cái án thư. Người được cái trướng, người được chục bát…
Thế là thôi, hết thờ tự, hết nơi sum họp huyết tộc. Các dòng họ bỗng dưng ly tán.
Cả làng chỉ còn lại một cái nhà thờ đại tôn… Nhiều cụ thấy tình cảnh vậy, chán nản không muốn đến ngày giỗ Tổ. Nhà thờ đại tôn ngày càng hoang vắng. Ngói vỡ. Tường gạch loang lổ từng mảng. Câu đối bị đánh cắp. Trẻ em viết nguệch ngoạc, bậy bạ lên cánh cửa!”
Đùng một cái, ông Bí thư Đảng ủy xã quyết định lấy nhà thờ đại tôn của họ Võ làm… kho thóc. Các cụ không thể ngồi yên bàn với nhau: “Cả làng chỉ còn lại một nhà thờ mà ông Đảng cũng đòi chiếm làm kho thóc thì thờ cúng vào đâu? Con cháu vô ơn bội nghĩa với tổ tiên à? Phải kêu lên tận Đảng ủy. Lời tai đụng vào tai ông bí thư, ông đanh mặt nói như búa bổ:”Đồng bào miền Nam hy sinh xương máu không tiếc, bà con ta ngồi ở hậu phương lại tiếc cái nhà thờ Tổ?” Các cụ ấm ức, nhưng đành phải buông tay xót xa nhìn ngôi nhà thờ biến thành kho thóc.
(Võ Văn Trực. Chuyện Làng Ngày Ấy. NXB Tạp Chí Văn Học: California, 2006. 61-67)
Và đó mới là màn “dạo đầu,” càng về sau chính quyền cách mạng còn “bồi” thêm nhiều “cú” ngoạn mục khác nữa – theo như nguyên văn cách dùng từ của nhà văn Võ Văn Trực:
Trời ơi, cái cú tập trung ông bà, ông vải, tổ tiên đã làm cho mọi người choáng váng, bồi thêm cái cú tập trung thần thánh này nữa có thể làm cho dân làng bị ngất!Bọn mục đồng trong Chuyện Làng Ngày Ấy nay (không chừng) đã trở thành những quan chức lãnh đạo tỉnh Phú Thọ và rất nhiều địa phương khác nữa. Bởi vậy, việc chúng khuân “một hòn đá lạ” về thờ ở Đền Hùng, hay lũ lượt lái xe (biển xanh) đi cúng bái lậy lục ở khắp các đền chùa trên toàn quốc không có gì là lạ. Cái lũ chăn trâu (chăn bò) này giờ mới chợt ân hận vì đã “ỉa đái vung vãi” trên mặt mộ bia và thần thánh nên hốt hoảng thờ cúng lung tung cho nó đỡ … run vậy mà. Có tin có thiêng, có kiêng có lành chớ bộ.
Thần đã đi rồi. Thánh đã đi rồi. Phật đã đi rồi. Nhưng ngôi đền, ngôi chùa, ngôi miếu như cái xác không hồn... Dân tứ chiếng tranh nhau cướp giật mang đi: người được hòn đá tảng, người được cái cửa vọng, người được viên ngói viên gạch, người được cái cửa gỗ…
Ôi tan hoang đến tột cùng tan hoang sau các cuộc rước các thánh các thần về thế giới đại đồng. Tại nhà thờ thánh, tượng Khổng Tử lăn long lóc như người ăn mày tha hương chết đường chết chợ, bị trẻ con ném cứt vào mặt. Tại ngôi chùa Trang Hà, hàng chục pho tượng đổ ngổn ngang, bị lũ mục đồng ném bùn lấm láp nước sơn. Cái giếng hình bán nguyệt trước cổng chùa đẹp thế mà cũng bị phá phách cầy xới để trồng lúa. Mấy tấm đá ghép cầu bị bê làm hố tiêu. Mấy chiếc bia lớn nhà thờ chánh tổng, cái thì bị đem bắc cầu, cái thì bị bọn mục đồng khiêng đi làm trò chơi rồi ỉa đái vung vãi trên mặt bia. (Sđd 70-75).
Tưởng Năng Tiến
(*) Chuyện Làng Ngày Ấy do NXB Lao Động phát hành tháng 6 năm 1993 – nhà văn Xuân Cang chịu trách nhiệm xuất bản, nhà văn Ma Văn Kháng chịu trách nhiệm bản thảo – và đã bị cắm lưu hành tại Việt Nam. Tác phẩm này được Tạp Chí Văn Học (California) in lại năm 2006.
Sharma Academy UPSC IAS MPPSC <a
lúc 22:16 25 tháng 1, 2021
Đăng nhận xét